Dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử tổng thống Mỹ, những quyết định từ Nhà Trắng cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực logistics toàn cầu. Các doanh nghiệp vì thế cần chuẩn bị và xây dựng kế hoạch ứng phó trước những biến động chính trị và các thách thức về khí hậu.
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024, tổ chức bởi Báo Đầu tư tại TP.HCM vào sáng ngày 31/10, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – đã chia sẻ rằng, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. Với việc từng giữ cương vị Tổng thống, ông Donald Trump có cách tiếp cận khác biệt so với nhiệm kỳ hiện tại của ông Joe Biden.
Dưới thời ông Trump, thương mại quốc tế có thể được xem là đối đầu mạnh mẽ. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp như dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc và áp đặt thuế cao lên các nước đồng minh của Mỹ. Những động thái này đã tạo ra những cú sốc lớn cho trật tự thương mại quốc tế. Mặc dù vậy, về mặt chính trị, thời kỳ của ông Trump lại khá yên bình, không có những cuộc xung đột quân sự lớn nào xảy ra.
Ngược lại, dưới thời Tổng thống Biden, chính sách thương mại trở nên ôn hòa hơn. Ông duy trì nhiều chính sách của người tiền nhiệm mà không leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, về mặt chính trị, nhiệm kỳ của ông Biden chứng kiến những cuộc xung đột lớn, đặc biệt là giữa Nga và Ukraine, cũng như những căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông.
Cả hai kịch bản đều mang lại những tác động đáng kể đối với dòng chảy thương mại và ngành logistics toàn cầu. Các nhà phân tích hiện đang xây dựng các giả định để dự đoán các diễn biến sắp tới. Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, có khả năng ông sẽ tăng thuế nhập khẩu trên diện rộng, đẩy giá hàng hóa vào Mỹ tăng cao. Điều này có thể gây áp lực lớn lên người tiêu dùng, làm tăng lạm phát. Từ đó cản trở các nỗ lực giảm lãi suất, tạo ra những tác động dây chuyền đến hoạt động thương mại quốc tế.
Nếu bà Kamala Harris thắng cử, có khả năng bà sẽ tiếp tục các chính sách thương mại tương đối ổn định của ông Biden, tập trung vào việc đánh thuế có chọn lọc thay vì áp dụng thuế nhập khẩu rộng khắp. Như vậy sẽ duy trì nhịp độ thương mại hiện tại và giảm bớt áp lực lên các chuỗi cung ứng.
“Bên cạnh những yếu tố chính trị và bầu cử, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các yếu tố như thiên tai và biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp nên tham khảo các phân tích từ các tổ chức và chuyên gia để xây dựng những kịch bản ứng phó linh hoạt và bền vững trước những biến động này,” ông Hải nhấn mạnh.
Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO của Việt Nam SuperPort™, nhấn mạnh rằng có hai yếu tố mà chúng ta cần phải chuẩn bị ngay lập tức.
Trước hết, các doanh nghiệp phải cân nhắc đến các biến động khó lường trong tương lai. Họ có thể chỉ đơn thuần chịu ảnh hưởng từ những biến động này hoặc thậm chí đóng vai trò là tác nhân gây ra chúng. Dù ở vai trò nào, việc chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý đến những thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, bao gồm dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam, điều chỉnh chính sách của cả Việt Nam và các nước khác, cùng với những rủi ro chính trị toàn cầu. Nhìn chung, theo ông Yap Kwong Weng, các doanh nghiệp cần dự trù các phương án ứng phó đa dạng để tránh lặp lại tình trạng bị động như vào năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bất ngờ bùng phát và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Thứ hai, đối với Chính phủ, cần đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nhằm thu hút thêm đầu tư, ngay cả trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Đây là thách thức không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải đối mặt. Việt Nam cần xem xét các chính sách ưu đãi, như giảm thuế, hỗ trợ về đất đai hoặc đưa ra những quy trình nhanh chóng và thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư đến Việt Nam.
Theo ông Yap Kwong Weng, để nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành logistics so với các nước trong khu vực, việc bổ sung nguồn lực và gỡ bỏ các trở ngại hiện có là rất cấp thiết. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam đang chiếm khoảng 18% GDP – một con số khá cao so với tiêu chuẩn khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần tìm biện pháp giảm tỷ lệ này xuống khoảng 10% và lý tưởng nhất là 5% để có thể thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại đây.
“Giá cả và hiệu quả là yếu tố cốt lõi trong ngành logistics. Do đó, chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành và giữa nhà nước với khu vực tư nhân,” ông Yap Kwong Weng nhấn mạnh. “Việt Nam hiện đang có lộ trình tăng trưởng rất tốt, và đây chính là cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt.”
e8ujp3
bạn cần hỗ trợ hơn ?