Ông Vương Trinh Quốc – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai cho biết, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, đa cấp độ (5 cấp độ), tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ logistics gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu và xuất – nhập khẩu, thương mại biên giới.
Cùng với sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư, cung ứng dịch vụ logistics. Nhờ đó, quá trình xuất – nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá thuận lợi, thông suốt và hiệu quả. Hiện nay, trong Khu kinh tế cửa khẩu hiện có 240 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng; trong đó có trên 50 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, riêng tại Cửa khẩu Kim Thành có 4 doanh nghiệp logistics với diện tích trên 20 ha. Ngoài ra, tại cửa khẩu phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh vận tải, dịch vụ hải quan và ủy thác xuất – nhập khẩu tại cửa khẩu…
Trong 10 tháng năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 88% so với cùng kỳ 2023. Riêng tại cửa khẩu quốc tế đường bộ, tổng giá trị hàng hóa xuất – nhập khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 112,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp tham gia xuất – nhập khẩu lũy kế đạt 711 doanh nghiệp, tăng 108 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Vương Trinh Quốc, việc chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu (nâng cấp tuyến đường gom nối từ Tỉnh lộ 156B vào khu thương mại công nghiệp Kim Thành, bãi đỗ xe xuất khẩu KB2, vận hành phương án phân luồng 5 làn (2 làn xuất, 3 làn nhập)…) đã giúp năng lực thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành được nâng lên đáng kể. Hiện nay, năng lực thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành đáp ứng nhu cầu 1.000 xe hàng xuất – nhập khẩu/ngày.
Năm cấp độ logistics được đề xuất bởi Hội đồng Logistics châu Âu (European Logistics Association – ELA). Đây là tổ chức uy tín trong ngành logistics, tập hợp các chuyên gia và doanh nghiệp ở châu Âu nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và phát triển logistics. Các cấp độ logistics này cũng được công nhận bởi nhiều tổ chức khác trên thế giới, đặc biệt trong các hệ thống quản lý logistics và chuỗi cung ứng quốc tế, nhằm mục đích chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả vận hành logistics toàn cầu. Các cấp độ logistics này còn có thể được tích hợp vào các chứng nhận và tiêu chuẩn quốc tế như ISO trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.