Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: DUY ĐĂNG) |
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đưa ra dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2024 dự kiến tăng 2,7%; cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2025 lại giảm xuống còn 3% so với mức tăng 3,3% được dự báo trước đó.
Nhiều yếu tố khó đoán định
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn cho biết: Trong những tháng cuối năm 2024, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả thuận lợi và thách thức.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng hay dệt may. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta còn được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.
Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Đáng chú ý, theo cam kết trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE (CEPA) vừa được ký, UAE sẽ xóa bỏ thuế quan, mở cửa cho nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đây là cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Đó là diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ẩn chứa nhiều khó khăn và yếu tố rủi ro, nhất là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương cũng chỉ ra rằng, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hay tại Trung Đông đã trực tiếp tác động đến thương mại toàn cầu.
Trong trường hợp xung đột lan rộng, sẽ tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải. Điều này không những làm tăng thêm chi phí logistics mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hoãn/hủy các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Mặt khác, xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt sau hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ). Điều này sẽ dẫn đến sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, diễn biến tỷ giá trong nước cũng nóng lên trong tháng 10 do chịu tác động bởi các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Yếu tố bên ngoài có thể thấy rõ nhất là diễn biến tăng mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, khi chỉ số DXY (thước đo giá trị của đồng USD so sáu loại tiền tệ lớn khác) đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức hơn 104 điểm hiện nay.
Với yếu tố bên trong, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn xuất siêu, nhưng đã có tín hiệu về sụt giảm khá mạnh (giảm từ 2,32 tỷ USD trong tháng 9 xuống 1,99 tỷ USD trong tháng 10).
Khai thác thị trường tiềm năng
Xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục tăng trưởng tốt và xác lập các kỷ lục mới. Tính chung 10 tháng, nước ta đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, giá trị kim ngạch khoảng 4,86 tỷ USD, tăng lần lượt 10,2% và 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng theo Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo (ngày 29/8) sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cần theo dõi sát vấn đề này để tránh bị động. Đáng mừng là Việt Nam đã và đang thực hiện chủ trương chuyển sang các loại gạo chất lượng cao, có tính đặc thù như gạo thơm. Điều này giúp chúng ta đa dạng hóa sản phẩm, không bị “đụng hàng” với các loại gạo Ấn Độ xuất khẩu và phần nào hạn chế khả năng bị ảnh hưởng.
Vụ trưởng Bùi Huy Sơn cho biết, ngành công thương sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu từ đây đến cuối năm. Trước hết, các đơn vị thuộc Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã có ký kết, đồng thời triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Việt Nam cần tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bộ Công thương tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại, nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ các ngành xuất khẩu của Việt Nam, ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Đánh giá hoạt động xuất khẩu của Việt Nam từ đây đến cuối năm sẽ có cả cơ hội lẫn thách thức đan xen, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương kiến nghị các cơ quan chức năng cần bám sát những diễn biến, tình hình thế giới và trong nước để đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp và kịp thời.
Trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị tác động lớn bởi cơn bão Yagi và bão Trà My, các đơn vị cần rà soát, nắm bắt kịp thời và có giải pháp để bảo đảm chủ động nguồn cung hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.