Nịnh sếp chốn công sở: Những chuyện cười ra nước mắt

Nịnh sếp chốn công sở chẳng phải chuyện lạ trong môi trường làm việc hiện nay. Có những chuyện mà đến giờ kể lại, tôi vẫn cười ngặt nghẽo.

Người ta vẫn bảo chốn công sở cũng lắm chuyện chả khác gì hậu cung vua chúa ngày xưa. Với thâm niên gần 2 chục năm làm văn phòng, trải qua 5-7 môi trường khác nhau – tư nhân có, nhà nước có, tôi xác nhận điều này là đúng.

Tất nhiên, phải nói thêm là không phải chỗ nào cũng lắm chuyện thị phi như thế. Vẫn có những môi trường làm việc rất văn minh. Những chuyện kể dưới đây là trải nghiệm riêng của tôi ở những nơi tôi từng làm việc.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn kể cho các bạn nghe một “văn hóa” xấu xí mà tôi cho là nhiều công sở có. Đó là “văn hóa” nịnh sếp.

Ngày đó, tôi mới ra trường, được người quen giới thiệu vào phòng hành chính của một cơ quan. Phòng toàn phụ nữ. Trưởng phòng chừng 40 tuổi, dưới là 6 nhân sự nữ. Tôi mới chân ướt chân ráo ra trường, trẻ nhất, ít kinh nghiệm nhất nhưng được mọi người đánh giá là nhanh nhẹn, hoạt bát.

Dù vậy, sau khoảng 1 tháng cố hết sức hòa nhập với mọi người, tôi vẫn không thể thích nghi được. Tôi luôn có cảm giác bản thân giống như người thừa trong phòng. Về sau, tôi mới biết là do mình không biết nịnh sếp.

Mỗi sáng, khi trưởng phòng bước vào, các chị em ra sức khen chị, từ cái váy hoa chị mặc cho tới chiếc đồng hồ mới chị đeo. “Eo ôi, mặc váy này xinh quá chị ạ!”, “Chị mua đồng hồ ở đâu mà sang thế?”… Nói chung, sếp cứ có cái gì mới trên người là chị em phát hiện ra ngay, khen tới tấp, xuýt xoa suốt cả ngày.

Không chỉ khen sếp, các chị em còn khen cả con cái sếp, chồng sếp, nào là “con bé có nét đẹp giống mẹ y chang”, “chả ai chiều chị như anh nhà, nhất chị”…

Trước mỗi lời khen, chị trưởng phòng đều cười xòa, ngại ngùng bác bỏ. Nhưng càng về sau, tôi cảm nhận được chị cũng rất thích được khen như thế.

Để được khen, chị lại càng ra sức kể chuyện ở nhà chồng chị thế này, con chị thế kia. Nói không ngoa, đến mấy quả táo quê xấu mã chị mang lên mời phòng cũng được khen nức nở, nào là mát ruột, đồ sạch không thuốc trừ sâu… Tôi nhón một quả ăn thử, thấy nhạt toẹt, không nuốt nổi, lại tự thấy nghi ngờ khẩu vị của mình.

Đỉnh điểm là một lần cả phòng ra nhà hàng ăn liên hoan, chị trưởng phòng mang theo một bịch trà thảo mộc mà chị khoe tự tay làm. Đến quán quen, chị đưa cho bé nhân viên nhờ pha giúp để mang ra cho mọi người dùng thử.

Cả phòng vừa ăn được mấy miếng thì bé nhân viên bê bình trà ra, rót cho mỗi người một cốc. Các chị em nhấp môi một ngụm, ngẩng đầu lên khen hết lời. Chị lớn tuổi nhất phòng bảo: “Đúng là người sành mới uống được thứ này. Ban đầu hơi chát một tí, nhưng sau lại ngọt mãi trong cổ họng”. Một chị khác không chịu “kém miếng”: “Em nghe nói phụ nữ uống trà này tốt đủ thứ – da đẹp, tóc mượt, dáng xinh. Sếp uống trà này mấy năm rồi, thảo nào trông cứ ngày càng trẻ ra”…

Trừ tôi ra, chị nào cũng ra sức khen trà của sếp. Chị trưởng phòng cười tít cả mắt, rồi từ từ đưa cốc trà lên miệng nhấp môi. Chị khựng lại 2 giây rồi hốt hoảng: “Ơ đây không phải trà của chị!”.

Cả phòng nhìn nhau, rồi gọi em nhân viên hỏi cho ra nhẽ. Em nhân viên dõng dạc bảo: “Bọn cháu còn đang đun nước nóng để pha trà của cô. Cháu mang tạm trà của nhà hàng ra cho các cô dùng trước đã ạ!”.

Tôi bấm bụng cười. Các chị quê quá, vội chữa cháy bằng cách mắng vốn con bé nhân viên, rồi lảng sang chuyện khác. Tuyệt không ai nhắc đến cốc trà nữa.

Tôi làm ở đó được mấy tháng thì xin nghỉ vì nhiều lý do. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi mấy câu chuyện “nịnh sếp” ấy, mỗi lần kể lại cho đồng nghiệp nghe, đứa nào cũng cười ngất.

Nhưng khó chịu hơn là chuyện nịnh sếp ở một công ty tư nhân mà tôi làm được đúng 3 tháng. Sếp là nam nên không có chuyện khen xinh quá, đẹp quá… như ở chỗ cũ. Nhưng sếp có một kỹ năng “vượt trội”, đó là gợi ý cho đám nhân viên chiều chuộng cả gia đình mình.

Sắp đến ngày 20/11, sếp than “không biết chọn quà gì tặng cô”. Thế là cả phòng thi nhau vào gợi ý hết sơn hào hải vị nọ, đến đặc sản quê kia. Chỉ đợi sếp chốt một câu, cậu nhân viên trẻ gọi ngay người nhà gửi mấy cân thịt trâu gác bếp lên Hà Nội. Hôm sau mấy cân thịt đã được xếp gọn gàng trên bàn sếp. Sếp bảo trả tiền, nhưng không một ai dám lấy tiền sếp.

Có lần, sếp lại than không biết tặng vợ quà gì nhân ngày 8/3. Trang sức, nước hoa, váy vóc đều đã tặng cả, sếp muốn năm nay phải khác biệt, phải có món quà thật mới cho vợ bất ngờ.

Thế là chị gái phó phòng mạnh dạn: “Anh cứ để em!”. Hôm sau, chị đặt lên bàn sếp 2 chiếc vé đi xem ca nhạc. Đêm nhạc ấy có nhiều ca sĩ nổi tiếng, giá cho đôi ghế VIP không dưới chục triệu đồng. Sếp cũng đòi trả tiền, nhưng chị bảo “không đáng là bao, em tặng anh chị”.

Vợ chồng sếp đi về khen hết lời, “em khéo chọn, đúng ca sĩ chị thích”. Chị phó phòng hãnh diện ra mặt.

Thực ra, tôi bỏ những nơi ấy không phải chỉ vì văn hóa “nịnh sếp”, mà vì nhiều lý do khác. Nhưng khi làm việc trong một môi trường chẳng phải nịnh nọt ai, tôi cảm thấy vô cùng hài lòng.

Tết nhất chúng tôi chẳng phải tay xách nách mang đến nhà sếp nào. Thậm chí, các sếp còn lì xì, tặng quà cho nhân viên những dịp đặc biệt. Tôi thực sự thấy mình được trân trọng trong môi trường này, thay vì phải chạy theo phục vụ các sếp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *