Hiện tại, giá cước vận tải biển toàn cầu đã giảm 33% so với mức đỉnh hồi tháng 7/2024, nhưng vẫn duy trì ở ngưỡng cao so với trước đây. Các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục rót vốn vào đội tàu với kỳ vọng nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ phục hồi bền vững, đặc biệt là trong thời điểm cao điểm cuối năm 2024.
Giá cước vận tải biển đã điều chỉnh do sự suy giảm của chi phí và nhu cầu
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7/2024, giá cước vận tải biển đã leo thang 119% vì những vụ tấn công của nhóm Houthi nhằm vào các tàu hàng và tàu chở dầu qua vùng biển Đỏ và kênh đào Suez. Hậu quả là nhiều công ty vận tải từ châu Á đến châu Âu phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến quãng đường và thời gian vận chuyển kéo dài đáng kể. Chỉ số Container Thế giới của Drewry đã đạt kỷ lục mới, lên tới 5.937 USD cho mỗi container 40 feet vào ngày 18/7.
Kể từ thời điểm đó, giá cước vận tải biển đã có sự điều chỉnh đáng kể. Theo chỉ số Drewry vào tuần 38 năm 2024 (từ ngày 16 đến 22/9/2024), mức giá cho mỗi container 40 feet hiện là 3.970 USD, giảm 33% so với mức đỉnh ngày 18/7 và thấp hơn 62% so với mức đỉnh trong giai đoạn Covid-19 lên tới 10.377 USD vào tháng 9/2021.
Đối với một số tuyến vận tải chính, như từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan), giá cước cho mỗi container 40 feet đã giảm 9% so với tuần trước đó, hiện còn 4.682 USD. Tương tự, tuyến từ Thượng Hải đến New York (Mỹ) cũng giảm 4%, xuống còn 6.364 USD.
Nguyên nhân của việc giảm giá là do các chuyến tàu hiện có thể đi trực tiếp đến Mỹ và châu Âu mà không cần phải đổi hướng như trước đây.
Ông Nguyễn Triệu Phát, Giám đốc vùng tại Công ty Chứng khoán Kafi cho biết giá cước vận tải biển đã giảm do chi phí nhiên liệu đi xuống, đồng thời tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và nhu cầu tiêu dùng yếu hơn từ thị trường Mỹ cũng làm giảm khối lượng thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo Công ty Chứng khoán Huatai Futures (Trung Quốc), thường thì mùa vận chuyển cho hàng bán lẻ Giáng sinh tại Trung Quốc diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9. Tuy nhiên năm nay các lô hàng đã được xuất sớm từ tháng 4, dự báo số container vận chuyển từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ ít hơn so với những năm trước.
Trong thời gian tới, nhiều tổ chức quốc tế lo ngại rằng một cuộc đình công tại các cảng ở miền Đông và vùng Vịnh của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn. Có thể sẽ làm gián đoạn hơn 50% lượng hàng nhập khẩu của nước này và 15% công suất đội tàu container toàn cầu. Một số hãng vận chuyển đã thông báo áp dụng phụ phí gián đoạn để phản ánh nguy cơ đình công, giúp tạo động lực giữ giá cước ổn định trong ngắn hạn.
Hiện tại, các cuộc đàm phán về lương giữa Hiệp hội Công nhân Cảng Quốc tế, đại diện cho khoảng 45.000 công nhân tại hơn 30 cảng và Hiệp hội Liên minh Hàng hải Mỹ đang lâm vào thế bế tắc. Với hợp đồng lao động hiện tại sắp hết hạn vào ngày 30/9/2024, nguy cơ đình công quy mô lớn có thể xảy ra, đe dọa làm gián đoạn hoạt động và đẩy chi phí trong chuỗi cung ứng của Mỹ lên cao.
Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới dự báo nhu cầu vận chuyển container toàn cầu sẽ tăng cao trong quý IV/2024 nhờ vào đợt nhập hàng lớn từ Bắc Mỹ và Mỹ Latinh cùng với hoạt động xuất khẩu sôi động tại khu vực Đông Á.
Ông Nguyễn Triệu Phát nhận định vào cuối năm 2024, giá cước vận tải có khả năng tăng nhẹ khi nhu cầu vận chuyển toàn cầu tiếp tục đi lên. Đồng thời, tình hình căng thẳng tại Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên, từ đó làm tăng chi phí vận chuyển.
Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tàu mới
Mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn đang yếu, nhưng cuối năm thường là thời điểm cao điểm của mua sắm, nên ông Nguyễn Triệu Phát kỳ vọng rằng sức mua sẽ có dấu hiệu phục hồi, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường biển cũng sẽ tăng trưởng.
Hiện tại, lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong vòng hai năm, thúc đẩy nhu cầu nhập hàng của các doanh nghiệp Mỹ và gián tiếp hỗ trợ sự phục hồi thương mại toàn cầu. Đồng thời, trong cuộc họp chính sách vào tháng 9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định hạ lãi suất xuống còn 4,75 – 5%/năm, tức giảm 0,5%, nhằm làm giảm chi phí vay. Qua đó kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là khu vực tiêu dùng cá nhân đang chịu ảnh hưởng từ lãi suất cao thời gian qua.
Ông Phát chia sẻ rằng thị trường vận tải hàng hóa dự kiến sẽ sôi động từ nay đến cuối năm. Việt Nam với vai trò là một trong những đối tác thương mại của Mỹ có thể hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng này, tạo động lực tích cực cho ngành vận tải và cảng biển, giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực.
Đối với các doanh nghiệp vận tải và cảng biển trong nước, hai yếu tố quan trọng hỗ trợ kinh doanh là sự cho phép điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải từ phía cơ quan quản lý và triển vọng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục đi lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành.
Theo nhận định từ các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Kafi, các doanh nghiệp vận tải có triển vọng tích cực khi nguồn cung tàu biển cho một số loại hàng hóa chuyên biệt hiện không quá dư thừa, tạo điều kiện để họ duy trì lợi thế trong thị trường. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên tục đầu tư mở rộng và gia tăng đội tàu.
Vào tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) đã bổ sung vào đội tàu của mình một chiếc mới có tên Haian Opus, phục vụ cho thuê với Hãng tàu HMM của Hàn Quốc. Với tàu mới này, Hải An hiện có 15 tàu, với tổng sức chứa vượt 23.000 TEU, chiếm gần 30% thị phần vận tải nội địa.
Mới đây, HAH đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024, đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.957 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 450 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 55% so với kế hoạch ban đầu. So với kết quả đạt được trong năm 2023, kế hoạch mới này đặt ra mức tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu cao hơn 51% và lợi nhuận ròng tăng 25,7%.
Đối với Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã PVT), doanh nghiệp hiện đang khai thác 54 tàu với tổng tải trọng 1,5 triệu DWT, chủ yếu hoạt động trên các tuyến quốc tế. Trong tháng 7/2024, PV Trans đã đưa vào hoạt động tàu NV Apollo với tải trọng 21.300 DWT, nâng tổng công suất đội tàu chuyên chở dầu và hóa chất lên 467.000 DWT, tăng thêm 5%. Đến tháng 9, PV Trans tiếp nhận tàu Supramax – PVT Topaz có trọng tải 57.318 DWT và nhanh chóng khai thác với chuyến hàng đầu tiên chở 40.000 tấn thép thành phẩm từ Trung Quốc đến Philippines.
Vào tháng 8, Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc tế (Gas Shipping, mã GSP) đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam để tài trợ cho dự án đầu tư mua tàu vận chuyển LPG có dung tích khoảng 5.000 CBM, nằm trong khoảng từ 4.000 đến 6.000 CBM với giá trị vay hơn 240 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã VOS) đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 11/2024 nhằm phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu. Trước đó, ban lãnh đạo Vosco đã xác định mục tiêu phát triển đội tàu và tăng cường năng lực vận tải là ưu tiên hàng đầu trong năm 2024. Trong quý I/2024, Vosco đã ký hợp đồng thuê hai tàu chở dầu và hóa chất, Đại Hưng và Đại Thành, theo hình thức thuê tàu trần trong thời hạn ba năm nhằm mở rộng đội tàu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.